Giai đoạn 1960–1965 Chiến_tranh_Việt_Nam

Giai đoạn 1960–1965 là giai đoạn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công khai hậu thuẫn những người Cộng sản miền Nam và bắt đầu đem quân thâm nhập miền Nam.[271] Những người Cộng sản miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt NamQuân Giải phóng Miền Nam. Trong khi đó, Mỹ giúp Việt Nam Cộng hòa tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Tuy nhiên, quân Giải phóng vẫn thắng thế trên chiến trường, đánh những chiến dịch lớn sát các đô thị. Tổng thống Ngô Đình Diệm không kiểm soát nổi khủng hoảng chính trị và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng đảo chính. Việt Nam Cộng hòa sau đó tiếp tục khủng hoảng cho đến khi Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống.

Bối cảnh miền Bắc

Thập niên 1960 là thời kỳ nở rộ của khối xã hội chủ nghĩa và đã xuất hiện mầm mống chia rẽ giữa hai cường quốc hàng đầu trong khối là Liên XôTrung Quốc về các vấn đề tư tưởng, đường lối cách mạng[272]. Nhất là từ khi Liên Xô rút hết các cố vấn khỏi Trung Quốc sau năm 1960.

Tại Liên XôĐông Âu, hình thức kinh tế tập trung và kế hoạch hóa đang phát huy các mặt tích cực của nó. Liên Xô tập trung mọi nguồn lực để cố đạt cho bằng được những chỉ tiêu kinh tế, chính trị được cho là ưu thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa để tranh đua với Mỹ vai trò lãnh đạo thế giới. Việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người (Sputnik 1) và đưa người đầu tiên vào vũ trụ (Yuri Gagarin) là biểu tượng của một siêu cường đang thắng thế. Liên Xô và Mỹ - hai đối thủ tư tưởng - sẵn sàng đối chọi nhau ở mọi vấn đề quốc tế. Việt Nam là một trong những nơi mà hai bên muốn thể hiện điều đó.

Liên Xô tuy đã có vũ khí nguyên tử từ năm 1949[273], nhưng ưu thế quân sự của Mỹ vẫn áp đảo. Do đó, Liên Xô vẫn e ngại sự quá căng thẳng với Mỹ và chỉ viện trợ cho miền Bắc ở mức đủ để xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa cho đến thời điểm này.

Trong thập niên 1960, quan điểm của Liên Xô về Chiến tranh Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Từ quan điểm cùng chung sống hòa bình của Nikita Khrushchev trong chính trị quốc tế, nghĩa là phía Liên Xô muốn có sự chung sống giữa hai nhà nước Việt Nam và thống nhất thông qua trưng cầu dân ý với sự giúp đỡ quân sự hạn chế đến ủng hộ đấu tranh vũ trang của Leonid Brezhnev với viện trợ quân sự to lớn cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi Khrushchev bị buộc phải từ chức, Leonid Brezhnev lên thay. Ban đầu, chính sách của Liên Xô vẫn giữ nguyên nhưng đến đầu năm 1965, tân Thủ tướng Liên Xô, Kosygin, thăm Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng nhằm mục đích hàn gắn quan hệ Xô – Trung và ngăn chặn hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

Trong chuyến thăm Hà Nội, tháp tùng Kosygin có các chuyên viên tên lửa. Và ngày 10 tháng 2 năm 1965, Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp ước Hỗ trợ Kinh tế và Quân sự Việt – Xô. Từ đây, sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho miền Bắc ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Việt Nam.

Đến thời điểm này cách tiếp cận của Liên Xô đã khác: họ viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiều hơn[274]. Đây cũng là thời kỳ Quân đội Nhân dân Việt Nam được hiện đại hóa mạnh mẽ, trang bị lại với vũ khí mới, kể cả các vũ khí hạng nặng, các binh chủng kỹ thuật ra đời để đáp ứng chiến tranh hiện đại: không quân, radar, tên lửa phòng không... Quân đội Nhân dân Việt Nam liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận lớn với giả định đánh quân đổ bộ đường không và chống xe tăng Mỹ.

Thập niên này đang có tranh cãi trong phe xã hội chủ nghĩa giữa những người thuộc "phe xét lại" (Nikita Sergeyevich Khrushchyov và Liên Xô) và những người tự nhận là "Marxist-Leninist chân chính" (Mao Trạch Đông và Trung Quốc) và các biện pháp cách mạng ở thế giới thứ ba bằng hòa bình hay bằng bạo lực cách mạng, gọi là Trung-Xô chia rẽ[275][276][277]. Trung Quốc, lúc đó đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo phe Xã hội chủ nghĩa với Liên Xô[277], cũng không muốn vai trò của mình kém hơn đối thủ cùng tư tưởng. Họ viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong giai đoạn này, còn nhiều hơn Liên Xô. Họ khuyến khích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiến đấu giải phóng miền Nam mà không sợ quân đội Mỹ tham chiến.

Mùa hè 1962, Trung Quốc gửi cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa súng đạn đủ để trang bị cho 200 tiểu đoàn. Trung Quốc đồng ý gửi tình nguyện quân vào Bắc Việt Nam nếu quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 17. Tính từ 1956 đến 1963, Trung Quốc đã chuyển cho miền Bắc số lượng vũ khí trị giá khoảng 320 triệu nhân dân tệ[274]. Tháng 12 năm 1964, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thăm Hà Nội và ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác quân sự Việt – Trung.

Về phía mình, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương giữ quan hệ tốt với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô để tranh thủ càng nhiều viện trợ vũ khí càng tốt. Tuy nhiên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chấp nhận mọi sự can thiệp vào đường lối chiến lược của họ.[278] Ông Lưu Đoàn Huynh, cố vấn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho rằng vì cả hai bên Liên Xô và Trung Quốc chống nhau nên không bên nào có thể ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đường lối của họ vì làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho đối phương. Trên thực tế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự điều khiển cuộc chiến, tự quyết định đường lối của mình, khi nào đánh, khi nào đàm phán.[279] Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận vũ khí do các đồng minh viện trợ, nhưng sẽ tự chiến đấu bằng đường lối và nhân lực của đất nước mình.

Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ John F Kennedy ký lệnh triển khai “chiến dịch chiến tranh bí mật phá hoại miền Bắc Việt Nam”, với mục đích phá hoại cơ sở vật chất ở miền Bắc Việt Nam. Chiến dịch này nằm dưới sự chỉ đạo của CIA, sau được Lầu Năm Góc tiếp quản năm 1964, đã đề ra các biện pháp chủ yếu là sử dụng lực lượng đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa (gián điệp biệt kích) còn gọi là “Liên đội quan sát số 1”, gồm phần đông là lính Việt Nam Cộng hòa có gốc là dân miền Bắc di cư. CIA và lực lượng đặc biệt Mỹ trực tiếp chỉ đạo, huấn luyện, trang bị để các nhóm biệt kích này đột nhập vào miền Bắc để phá hoại cơ sở hạ tầng, hình thức chủ yếu là sử dụng các tiểu đội biệt kích dù.

Đến năm 1968 thì các chiến dịch này phải dừng lại do đã thất bại nặng nề: gần 500 lính biệt kích bị tử trận, bị bắt hoặc trở thành điệp viên hai mang, trong khi gần như không gây thiệt hại được gì cho đối phương. Riêng ngành công an Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với 19 chuyên án đã câu nhử, bắt sống hoặc tiêu diệt được 121 lính biệt kích. Các đội biệt kích phần lớn bị bắt ngay sau khi nhảy dù, một số thoát được nhưng không bao lâu cũng bị bắt do bị dân địa phương phát hiện và thông báo cho công an truy bắt. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara và cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, tướng William C. Westmoreland, đã bị chỉ trích nặng nề vì chiến dịch trên. Chương trình này được giữ kín suốt nhiều năm, về sau được tiết lộ trong cuốn sách của Sedgwick Tourison nhan đề "Secret Army, Secret War: Washington's Tragic Spy Operation in North Vietnam" (Naval Institute Special Warfare) viết tháng 9 năm 1995.

Chiến trường miền Nam

Sinh viên Sài Gòn biểu tình chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Từ năm 1960, với chủ trương "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội" của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa,[280] quân Giải phóng ở chiến trường miền Nam phát động liên tiếp các đợt tiến công quy mô kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà cao trào là phong trào Đồng khởi. Phong trào này gây cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm lúng túng trong việc lập lại trật tự, dẫn đến một phần đáng kể của nông thôn miền Nam đã thành vùng do Mặt trận Giải phóng kiểm soát (cuối năm 1960). Tới cuối năm 1960, quân Giải phóng Miền nam đã kiểm soát 600/1298 xã ở Nam Bộ, 904/3829 thôn ở đồng bằng ven biển Trung bộ và 320/5721 thôn ở Tây Nguyên. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, quân Giải phóng đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã.[281]

Nhân đà thắng lợi, ngày 20 tháng 12 năm 1960 những người cộng sản và các xu hướng chính trị khác tại miền Nam thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam gồm nhiều đại diện các thành phần tôn giáo, tầng lớp xã hội, dân tộc khác nhau do những người cộng sản lãnh đạo. Quân Giải phóng Miền Nam cũng được thành lập ngay sau đó, ngày 15 tháng 2 năm 1961, theo nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Tổng Quân ủy Trung ương.

Đứng trước tình hình trên, tướng Maxwell D. Taylor được phái sang Việt Nam để hỗ trợ gấp cho Việt Nam Cộng hòa. Kế hoạch Staley-Taylor (hay chiến tranh đặc biệt) với việc sử dụng chủ yếu quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được trang bị bằng vũ khí tối tân do Mỹ cung cấp và thực hiện các kế hoạch quân sự do cố vấn Mỹ hoạch định. Nhà nước Mỹ cũng tăng thêm nguồn viện trợ kinh tế cho chính phủ Ngô Đình Diệm nhằm tăng quân số và tiêu dùng cho các chi phí quân sự. Với khả năng cơ động cao, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã giành được những thắng lợi nhất định. Đồng thời, chính phủ Việt Nam Cộng hòa thắt chặt chính sách Ấp chiến lược nhằm cách ly quân Giải phóng với dân chúng.

Mỹ quyết tâm không bỏ cuộc tại Nam Việt Nam. Năm 1964, Mỹ bắt đầu chuyển hướng sự chú ý từ miền Nam hướng ra miền Bắc và tuyên bố sẽ không chấp nhận việc tăng chuyển quân và vũ khí từ miền Bắc vào Nam.[282] Mỹ tăng cường can thiệp vào chiến tranh Việt Nam và tháng 2 năm 1965, không quân Mỹ oanh kích miền Bắc. Để đối phó với sự gia tăng chiến tranh của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Mỹ giúp Việt Nam Cộng hòa tiến hành chiến tranh đặc biệt và tăng cường viện trợ kinh tế cũng như quân sự.

Thiết giáp M-113 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên chiến trường

Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời điểm này không còn đủ mạnh để tận dụng sự khó khăn của Việt Nam Cộng hòa để mở các chiến dịch lớn, tiến tới kết thúc chiến tranh. Việc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam suy yếu được nhận định là do sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng như không nhận được sự trợ giúp về quân sự của miền Bắc mà mới chủ yếu là hỗ trợ bằng chính trị do cả Mặt trận và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn hy vọng vào giải pháp Tổng tuyển cử.[283] Vì vậy, lính tình nguyện ở miền Bắc đã hành quân vào Nam theo đường mòn Trường Sơn để tăng cường cho Quân Giải phóng. Thí dụ họ đã thành lập trung đoàn 22 gồm phần lớn các chiến sĩ tập kết ra bắc, đưa nhiều cán bộ và lính tập kết lẫn lính mới vào miền nam. Tuy nhiên, trong thời kỳ 1960-1965 các đơn vị tình nguyện từ miền Bắc vào chủ yếu đứng chân vòng ngoài tại tuyến đường Trường Sơn, Tây Nguyên để xây dựng các căn cứ quân sự phục vụ chiến sự sau này.[284]

Sau gần hai năm đối phó với chiến tranh đặc biệt, Quân Giải phóng miền Nam đã đúc kết kinh nghiệm đối phó với chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Điều này đã tạo ra thắng lợi cho họ trong trận Ấp Bắc (ngày 2 tháng 1 năm 1963 tại tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra những người cộng sản cũng tiếp tục đánh phá cơ cấu hành chính của Việt Nam Cộng hòa. Tính đến năm 1963 lực lượng du kích đã ám sát 6.700 người và thực hiện 18.200 vụ bắt cóc.[285] Quân đội Việt Nam Cộng hòa trở nên yếu thế buộc phải lui về thế thủ gần các thành phố lớn. Trong các năm 19631964 Quân Giải phóng miền Nam thắng thế tiến công trên toàn chiến trường và đến tháng 12 năm 1964 họ tiến hành chiến dịch Bình Giã tại tỉnh Bà Rịa làm thiệt hại các chiến đoàn thiết giáp cơ động và các đơn vị dự bị chiến lược của quân đội Việt Nam Cộng hòa.[286] Rất nhiều chiến thắng tại các địa bàn khác: Ba Gia, An Lão, Võ Su...

Khủng hoảng chính trị tại miền Nam

Ngày 8 tháng 5 năm 1963 xảy ra sự kiện Phật đản tại Huế làm chấn động trên toàn thế giới, cũng như đã tạo ra phong trào phản đối "sự kỳ thị tôn giáo" của chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc khủng hoảng này đã làm chính phủ Ngô Đình Diệm mất hết uy tín trong và ngoài nước. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã có những cố gắng xoa dịu sự bất mãn, giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo nhưng vẫn không thể ổn định nổi tình hình trước quyết tâm đấu tranh cao độ của các lãnh đạo Phật giáo. Phật giáo không hề tin tưởng vào thiện chí của chính quyền. Mỗi hành động của chính quyền đều bị lãnh đạo Phật giáo xem là một âm mưu chống lại tôn giáo của họ. Chính vì thế hai bên không tìm được tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh đã đảo chính lật đổ, giết chết hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và xử bắn ông Ngô Đình Cẩn. Theo nhiều tài liệu và loạt bài "Hồ sơ mới giải mật: CIA và nhà họ Ngô" đăng trên Báo An ninh Thế giới, do Trương Hùng lược dịch từ tài liệu "CIA and the House of Ngo" của Thomas L. Ahern Jr, một cựu điệp viên CIA từng nhiều năm hoạt động tại chiến trường miền Nam Việt Nam, thì Mỹ đã đứng sau[287][288][289][290], can thiệp sau hậu trường[291] vào cuộc đảo chính này và gọi điều này là việc "thay ngựa giữa dòng".[292]

Theo Thomas Ahern Jr., bắt đầu từ tháng 10 năm 1960 CIA bắt đầu nhận thấy mầm mống nổi loạn chống Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn ngày càng tăng, CIA tập hợp thông tin về thành phần bất mãn trong quân đội đồng thời cố gắng khai thác tướng Trần Văn Minh và các nguồn khác nhằm tìm kiếm thành phần tham gia đảo chính. Nhân viên CIA Miller được lệnh của Trạm CIA tránh can dự "cố vấn" cho phe đảo chính mà chỉ việc lặng lẽ theo dõi diễn biến rồi báo cáo về Trạm.[292]

Bùi Diễm (sau năm 1963 là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ) đã viết trong hồi ký của mình rằng: Tướng Lê Văn Kim đã yêu cầu hỗ trợ nhằm thực hiện điều mà chính phủ Mỹ cũng muốn làm với chính quyền của Ngô Đình Diệm (tức gạt bỏ chính quyền của Ngô Đình Diệm).[293] Diễm đã liên lạc với cả đại sứ và các nhà báo thạo tin của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, như David Halberstam (New York Times), Neil Sheehan (United Press International) và Malcolm Browne (Associated Press).[294] Lucien Conein đặc vụ của CIA đã trở thành đầu mối liên lạc giữa Đại sứ quán Mỹ với các tướng lĩnh đảo chính, do Trần Văn Đôn đứng đầu.[295] Ngày 3 tháng 10 năm 1963, Conein gặp tướng Minh là người nói cho ông biết ý định đảo chính và yêu cầu người Mỹ hỗ trợ nếu nó thành công.[296] Trong phim tài liệu Việt Nam: Cuộc chiến 10.000 ngày của đạo diễn Michael Maclear, các tướng lĩnh của Ngô Đình Diệm cho biết họ sẽ tiến hành đảo chính nếu chính phủ Mỹ ủng hộ, nhân viên CIA Lucien Conein kể lại rằng khi được thông báo về ý định đảo chính ông ta nói: "Lệnh mà tôi nhận là thế này: Tôi phải cho Tướng Minh biết rằng chính phủ Mỹ sẽ không cản trở cuộc đảo chính của họ và tôi đã truyền đạt điều này".[297] Sau đó Conein bí mật gặp tướng Trần Văn Đôn để nói với ông này rằng Mỹ phản đối bất cứ hành động ám sát nào.[298] Tướng Đôn trả lời "Được rồi, nếu anh không thích điều đó chúng ta sẽ không nói về nó nữa."[298]

Xác Ngô Đình Diệm sau khi bị quân đảo chính hạ sát.

Henry Cabot Lodge, Jr. đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa sau khi biết về âm mưu đảo chính được lên kế hoạch bởi các tướng lĩnh sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã báo cáo cho Tổng thống Mỹ xin ý kiến. Biên bản cuộc họp ngày 29/10/1963 giữa Tổng thống Mỹ và các cố vấn cho thấy Tổng thống Mỹ sau khi họp với 15 cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia không đưa ra được ý kiến thống nhất về vấn đề này mà để cho đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr. tùy cơ ứng biến[299][300]. Sau đó, Lucien Conein, một đặc vụ CIA, đã cung cấp 40.000 USD cho nhóm sĩ quan Việt Nam Cộng hòa để tiến hành cuộc đảo chính với lời hứa hẹn rằng quân đội Mỹ sẽ không bảo vệ tổng thống Ngô Đình Diệm[301].

Ngày 2 tháng 11 năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm đầu hàng lực lượng đảo chính và bị họ giết chết.[302] Khi biết Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị đảo chính và giết chết, Tổng thống Mỹ Kenedy bị choáng váng và ưu tư thoáng buồn.[297] Ngay sau đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa rơi vào khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng với 14 cuộc đảo chính liên tiếp trong một năm rưỡi và chỉ ổn định lại khi Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, đứng đầu bởi hai tướng Nguyễn Văn ThiệuNguyễn Cao Kỳ, lên chấp chính (tháng 6 năm 1965). Tháng 6 năm 1965, trước các thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn của Việt Nam Cộng hòa, chính phủ Mỹ quyết định hủy bỏ kế hoạch Staley-Taylor và đưa quân đội Mỹ sang trực tiếp tham chiến để giữ miền Nam khỏi rơi vào tay lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.[303]

Trong giai đoạn khủng hoảng đó, nhiều lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa vẫn nói rằng họ có tham vọng Bắc tiến để thống nhất Việt Nam[304]. Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ chuẩn bị kế hoạch Bắc tiến, tiêu diệt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất Việt Nam.[305] Ngày 14 tháng 7 năm 1964, người đứng đầu chính phủ là tướng Nguyễn Khánh công khai tuyên bố sẵn sàng Bắc tiến. Hai ngày sau, tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng khẳng định Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng[306]. Nhưng kế hoạch này đã bị Washington từ chối ủng hộ nên nó không bao giờ trở thành sự thật, một phần bởi Mỹ lo ngại sẽ lôi kéo Trung Quốc vào vòng chiến, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quy mô trên toàn châu Á.[307]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Việt_Nam http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://homepage.univie.ac.at/kurt.mayer/histor4.ht... http://quadrant.org.au/magazine/2014/06/whitlam-go... http://www.134thahc.com/History.htm http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.answers.com/topix/john-paul-vann-44k